Phát triển và ứng dụng phần mềm tự do và nguồn mở là cơ hội cho các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Chia sẻ và đóng góp cho cộng đồng nguồn mở là công việc của chúng ta, trong đó có tôi và bạn!

Wednesday, June 13, 2007

Ta cho rằng... Người ta hỏi...

Tiêu điểm

Ta cho rằng... & Người ta hỏi...

Ngày 16/05/2007, Hiệp hội doanh nghiệp phần mềm Việt Nam – VINASA đã phối hợp cùng Bộ Bưu chính Viễn thông tổ chức cuộc Toạ đàm “Bản quyền phần mềm trong hội nhập quốc tế”. Tranh luận thẳng thắn, trực diện liên tục hơn 3 tiếng không nghỉ giải lao. Có lẽ điều này đã một phần minh chứng cho sự thành công của buổi Toạ đàm. Nếu chỉ dừng lại ở đạo lý thì có lẽ rất dễ dàng tìm được tiếng nói đồng thuận. Nhưng hành động mới là bản chất có tính quyết định.

Hai quan điểm với 2 cách ứng xử khá cực đoan, đối lập để rồi kết thúc chỉ được một chữ "Tuỳ...". Có được giải pháp cho việc thực thi bản quyền phần mềm ở Việt Nam, chắc là chuyện còn dài hơi...


Ta cho rằng (TCR): Phần mềm tự do và nguồn mở (PMTDNM) khó dùng.

Người ta hỏi (NTH): Vì sao Quốc hội Pháp lại chọn Ubuntu và OpenOffice.org để dùng?

TCR: PMTDNM có chất lượng còn chưa cao.

NTH: Vì sao ông Chủ tịch hãng Dell Computers, lại chọn Ubuntu để sử dụng trên máy tính xách tay của mình mà không dùng Microsoft Windows?

TCR: Chỉ cần lo mua phần mềm văn phòng là OK, còn hệ điều hành Windows thì đương nhiên là đã có sẵn khi nhà cung cấp phần cứng cung cấp cho.

NTH: Vì sao hãng Dell lại quyết định bán máy tính cá nhân và xách tay có cài sẵn Linux Ubuntu? Chắc là nó phải rẻ hơn chứ?

TCR: Để hiện đại hoá các doanh nghiệp cần phải mua các phần mềm thương mại.

NTH: Vì sao có tới một nửa trong số các công ty trong nhóm Fortune 500 (những công ty hàng đầu thế giới) lại sử dụng PMTDNM trong các Trung tâm tích hợp dữ liệu của họ?

TCR: Để giảm tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm thì phải mua Microsoft Office.

NTH: Vì sao không sử dụng OpenOffice.org để thay thế hoặc ít ra là để các hãng nước ngoài có các bộ phần mềm Office khác nhau tự cạnh tranh lẫn nhau thông qua một gói thầu quốc tế nhằm đưa ra giá cả hợp lý nhất cho Việt Nam? Như vậy vừa đúng pháp luật Việt Nam, vừa tôn trọng dân chúng có hơn không?

TCR: Cần phải tôn trọng sở thích và thói quen của người sử dụng, họ có thể chọn theo ý muốn của họ là dùng cái gì, đối với hệ điều hành Windows và bộ phần mềm Microsoft Office cũng vậy.

NTH: Người sử dụng ấy là ai? Có sử dụng tiền đóng thuế của dân để mua không? Tiền mua ấy có hiệu lực trong bao lâu? Liệu sau mấy năm thì lại phải mua tiếp? Khi mua tiếp thì giá thế nào? Khi mua thì ai có lợi? Liệu họ có thông cảm và có trách nhiệm tháo gỡ khó khăn của quốc gia không? Vì sao họ không thể dùng những sản phẩm thay thế đang có sẵn và không thua kém gì để sử dụng?

TCR: Trung Quốc trong 3 năm giảm tỷ lệ vi phạm bản quyền xuống được 10% là do tôn trọng bản quyền phần mềm. Ta phải học tập Trung Quốc.

NTH: Ví Cú với Công, sao không biết ngượng? Nếu Trung Quốc không có các hãng khổng lồ hỗ trợ cho PMTDNM như Red Flag và Sun Wah Linux thì liệu Trung Quốc có làm được việc đó không? Vì sao Việt Nam không học họ điều này?

TCR: Vì tình trạng vi phạm bản quyền tràn lan tại Việt Nam nên ông Chủ tịch tập đoàn máy tính và phần mềm số 1 Việt Nam nói Tập đoàn của ông không thể phát triển các phần mềm đóng gói từ nhiều năm nay cho tới tận bây giờ.

NTH: Thế bấy lâu nay chúng ta xuất khẩu phần mềm gì nhỉ?

TCR: Để hiện đại hoá ngân hàng hàng đầu Việt Nam thì phải mua các phần mềm thương mại của nước ngoài, kể cả là Microsoft Office.

NTH: Vì sao Ngân hàng Sài Gòn Thương tín lại chuyển sang sử dụng OpenOffice.org, hay ngân hàng này không muốn hiện đại hoá?

TCR: Các phần mềm của Việt Nam không đủ độ tin cậy nên ngân hàng hàng đầu của Việt Nam phải mua phần mềm của nước ngoài để xài, kể cả là những phần mềm thông thường cho máy trạm như Microsoft Office?

NTH: Nếu đến các phần mềm thông thường mà còn đi mua của nước ngoài thì làm gì có thị trường cho các công ty Việt Nam phát triển? Chẳng trách các công ty Việt Nam chỉ còn mỗi con đường làm gia công phần mềm (chứ không phải xuất khẩu) cho nước ngoài?

TCR: Cần có nhiều công ty máy tính nhiều ngàn lập trình viên thì nền công nghiệp công nghệ thông tin của Việt Nam mới phát triển được.

NTH: Liệu chúng ta có phải dâng thị trường trong nước, kể cả đối với những phần mềm phổ thông nhất, cho các công ty nước ngoài, nếu hàng ngàn lập trình viên này không tập trung vào việc gia công (chứ không phải xuất khẩu) phần mềm cho các thị trường nước ngoài mà tìm được nhiều công việc và sống tốt trên chính thị trường quốc nội của mình không nhỉ?

TCR: Nếu sử dụng các PMTDNM thì làm sao các công ty Việt Nam kiếm được tiền?

NTH: Vì sao các công ty hỗ trợ PMTDNM trên thế giới lại sống tốt bằng việc cung cấp các dịch vụ hỗ trợ? và số lượng các công ty như vậy thế giới ngày càng nhiều?

TCR: Khó có thể chuyển sang sử dụng PMTDNM bây giờ được vì còn có rất ít các công ty Việt Nam hỗ trợ cho PMTDNM.

NTH: Nếu không bắt đầu từ rất ít thì đến bao giờ sẽ có đủ và nhiều đây?


Bài viết lẽ ra đã dừng ở đó, nhưng đúng là hành động mới là bản chất có tính quyết định, và rồi 5 ngày sau, ngày 21/05/2007, một ngày đáng nhớ!

TCR: Cứ mua Microsoft Office đi đã, rồi muốn nói gì tính sau.

NTH: Mua rồi thì làm gì đây? Hay chờ để 3 năm sau lại mua tiếp?

TCR: Thông tư 123/2004/TT-BTC ngày 22/12/2004 ưu đãi thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu phần mềm là để thúc đẩy nền công nghiệp CNTT Việt Nam.

NTH: Vụ mua bán Microsoft Office vừa rồi nhà nước thu thuế được bao nhiêu? Nền công nghiệp CNTT Việt Nam được cái gì ngoài một chút hoa hồng cho các đại lý như FPT và CMC?

TCR: Việc mua bán này làm cho hình ảnh của Việt Nam về tuân thủ bản quyền phần mềm sẽ được cải thiện ngay trong mắt bạn bè khắp năm châu bốn biển.

NTH: Liệu Trung Quốc, Thái Lan và những nước đang phát triển khác ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ La Tinh đang theo đuổi chính sách về PMTDNM và sáng kiến mỗi đứa trẻ một máy tính xách tay (phấn đấu có mức giá 100 USD/1máy, chạy hệ điều hành nguồn mở Fedora) để nhiều người nghèo có thể tiếp cận được CNTT sẽ nghĩ gì về Việt Nam? Vì sao Quý ông Steve Ballmer lại khen Việt Nam “không một quốc gia đang phát triển nào trên thế giới mà Chính phủ lại cam kết mạnh mẽ về phát triển công nghệ thông tin và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ như Việt Nam” (http://www.vtv.vn/VN/TrangChu/TinTuc/CongNghe/2007/5/21/100938/)?

TCR: Dù có sức ép WTO hay bản quyền gì đi nữa thì mục đích chính vẫn phải là vì sự phát triển của nền công nghiệp CNTT nước nhà.

NTH: Nếu cứ mua tận ngọn, bán tận gốc như thế này thì còn đâu tiền và thị trường cho việc phát triển nền công nghiệp phần mềm Việt Nam đây?


Người ta cho rằng: Nếu không có quyết tâm, chỉ lo chọn cho mình con đường đi dễ nhất dù không thuận lòng dân, bất chấp pháp luật, thì sẽ không có gì cả! và QUỐC GIA SẼ LÂM NGUY!.

Ta trả lời: ???

TÁN THỦ

PS: Một phần của bài viết này được đăng trên tạp chí Thế giới số, số 39, ra ngày 04/06/2007, trang 6 ở mục Tiêu điểm và với đầu đề Tuỳ...

No comments:

Blog Archive