Phát triển và ứng dụng phần mềm tự do và nguồn mở là cơ hội cho các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Chia sẻ và đóng góp cho cộng đồng nguồn mở là công việc của chúng ta, trong đó có tôi và bạn!

Wednesday, June 13, 2007

Cơ hội chuyển đổi

Cùng nhau suy ngẫm

Cơ hội chuyển đổi

Chuyển đổi tiếp tục là chuyển đổi từ sản phẩm này sang sang phẩm khác trong cùng một dòng sản phẩm và từ cùng một nhà sản xuất, trong khi chuyển đổi thay thế cũng tương tự nhưng không từ cùng một nhà sản xuất. Đó là 2 kiểu chuyển đổi chính trong lý thuyết về chuyển đổi.

Với một hệ thống công nghệ thông tin (CNTT), bất cứ sự chuyển đổi nào, đặc biệt khi có chuyển đổi về hệ điều hành, cũng đòi hỏi có sự đầu tư lớn hơn mức bình thường về mọi mặt như tài chính, nhân lực, vật lực, thời gian và nó sẽ tác động tới toàn bộ hệ thống, từ hệ thống phần cứng (nâng cấp và/hoặc thay thế máy tính, mạng máy tính và các thiết bị), phần mềm (nâng cấp và/hoặc thay thế các phần mềm ứng dụng cũng như các phần mềm tiện ích đi kèm), triển khai, đào tạo, đào tạo lại và các dịch vụ liên quan. Đó là một chân lý!

Chính cái chân lý ấy đang trao cho chúng ta một cơ hội lựa chọn mà không phải lúc nào cũng có sẵn để chuyển đổi cho các máy tính trạm ngay tại thời điểm nhạy cảm hiện nay đối với các hệ thống thông tin ở bất cứ cấp độ nào như tỉnh, bộ, ngành, công ty hay tổ chức.

Cơ hội đó đến với chúng ta từ cả 2 người khổng lồ về phần mềm, Microsoft và Cộng đồng nguồn mở thế giới.

Không thể so sánh kỹ năng sử dụng của 577 nghị sĩ quốc hội Pháp với các cộng sự là ngang bằng hay cao hơn so với kỹ năng sử dụng cùng bộ phần mềm văn phòng nguồn mở OpenOffice.org thay thế Microsoft Office với bất kỳ ai trong giới công nghệ thông tin dù còn nhỏ bé và non nớt như Việt Nam. Càng không thể so sánh việc Quốc hội Pháp đã quyết định chọn chuyển đổi thay thế cả hệ điều hành Microsoft Windows sang sử dụng hệ điều hành Linux nguồn mở phổ biến nhất hiện nay là Ubuntu cho 1154 máy tính trạm trong hệ thống thông tin của nó, trong khi nhiều người trong giới CNTT của chúng ta lại không có khái niệm gì về sản phẩm này. Đó đang là một thực tế, nó nói lên tính chín muồi của không ít các PMNM cùng với sự lớn mạnh khó tin của người khổng lồ Cộng đồng nguồn mở thế giới và nó còn nói lên sự thiếu quyết tâm cùng với sức ỳ cũng thật khó tin của giới công nghệ thông tin và truyền thông nước nhà.

Một sự kiện nổi bật khác xảy ra trong tháng 03/2007 vừa qua, khi người khổng lồ Microsoft đã chính thức phát hành lần đầu tiên tại Việt Nam hệ điều hành Windows Vista và bộ phần mềm văn phòng Microsoft Office 2007. Chúng đều được đánh giá là những sản phẩm hứa hẹn những thay đổi to lớn để chuyển đổi tiếp tục những phiên bản trước đó của nó. Có điều, thay đổi càng hứa hẹn to lớn bao nhiêu thì có thể sẽ tỷ lệ thuận với việc đầu tư về mọi mặt cũng sẽ hứa hẹn to lớn bấy nhiêu một cách tương ứng để có và sử dụng được chúng.

Lựa chọn đi với người khổng lồ nào phụ thuộc vào những quyết định chủ quan của chúng ta, trong đó khu vực nhà nước và khu vực các doanh nghiệp tư nhân là 2 đối tượng chắc chắn bị ảnh hưởng trực tiếp trong bối cảnh phải tuân thủ các luật lệ của tổ chức thương mại thế giới – WTO mà Việt Nam nay đã là một thành viên đầy đủ. Điều này được khẳng định lại bằng chỉ thị của Thủ tướng chính phủ số 04/2007/CT-TTg, ngày 22/02/2007 “về việc tăng cường bảo hộ quyền tác giả đối với chương trình máy tính” .

Chúng ta có quyền chọn cách chuyển đổi như một anh trọc phú, thích sự ăn sẵn và luôn mong được phục vụ hết mình dù cái giá phải trả không chỉ là rất nhiều tiền, mà còn là sự phụ thuộc dài hạn vào chính các sản phẩm “ăn sẵn” đó; nhưng chúng ta cũng còn có cách lựa chọn khác, như của một anh học trò nghèo, biết chắt chiu từng đồng vốn, biết nỗ lực hết mình và biết tận dụng sự giúp đỡ vô tư của bạn bè khắp năm châu bốn biển để học hỏi vươn lên làm giàu và làm chủ bản thân.

Con người ai cũng muốn được tự do, không ai muốn bị trói, và càng không ai muốn tự trói mình.

Nguồn lực nào cũng có giới hạn, cả về tiền bạc, tài nguyên thiên nhiên, nhân lực, vật lực và thời gian. Với cái có giới hạn đó, việc quyết định đầu tư vào người khổng lồ này nhiều hoặc tất cả thì đầu tư vào người khổng lồ kia sẽ ít hoặc không có gì và ngược lại.

Cơ hội không nhiều và không phải lúc nào cũng sẵn. Nắm được cơ hội đúng lúc và kiên trì, nỗ lực quyết tâm thực hiện nó chắc chắn sẽ thành công. Đó cũng là một chân lý!

Trần Lê

PS: Bài đăng trên tạp chí Tin học và Đời sống số tháng 04/2007, trang 9

No comments:

Blog Archive