Phải khó khăn lắm chúng ta mới đi được nước cờ đầu tiên trong việc tạo hình ảnh với toàn thế giới về quyết tâm của Chính phủ trong việc tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ đối với các phần mềm máy tính: mua Microsoft Office cho các cơ quan Chính phủ. Tuy nhiên, những thông tin dồn dập những tháng gần đây trên thế giới về tiêu chuẩn OOXML ẩn chứa trong sản phẩm đó lại làm chúng ta hết sức lo ngại. (Xem http://360.yahoo.com/ltnghia hoặc http://nghialetrung.blogspot.com/).
Trong khi định dạng tài liệu mở ODF đã được chấp thuận là tiêu chuẩn quốc tế ISO/IEC 26300:2006 và là tiêu chuẩn mở duy nhất hiện nay đối với việc tạo, sửa, lưu trữ và trao đổi các tài liệu văn phòng và đã được nhiều công ty trên thế giới áp dụng để xây dựng các phần mềm ứng dụng khác nhau nhưng tương hợp được với nhau, cả thương mại lẫn tự do nguồn mở như StarOffice, Lotus Notes, IBM Workplace, OpenOffice.org, KOffice, Abiword..., nghĩa là các tài liệu được tạo ra từ một bộ phần mềm này có thể sử dụng một cách trơn tru hoàn toàn trong các bộ phần mềm khác được nêu ở trên và ngược lại, thì rất tiếc là OOXML lại không thực sự “mở” và chỉ tương hợp được với các ứng dụng của bộ phần mềm văn phòng Microsoft Office, mặc dù OOXML được thông qua như một tiêu chuẩn ECMA 376 và đang được đệ trình lên Tổ chức Tiêu chuẩn Quốc tế ISO để mong được thông qua như một tiêu chuẩn thứ 2 đối với các tài liệu văn phòng.
Tháng 02/2007 vừa qua, tiểu ban kỹ thuật về công nghệ thông tin và truyền thông của ISO đã nhóm họp và không chấp thuận OOXML là một tiêu chuẩn quốc tế ISO và nó sẽ tiếp tục phải chờ cho tới cuộc bình xet tiếp theo của ISO vào đầu tháng 09/2007 sắp tới đây để biết được số phận của mình.
Hiện nay, xu hướng các Chính phủ và các tổ chức không bắt buộc phải mua phần mềm này hay phần mềm kia, mà thay vào đó là điều kiện bắt buộc các phần mềm được mua phải dựa trên các tiêu chuẩn mở, mở thực sự và phải đảm bảo về tính tương hợp như việc các bộ phần mềm văn phòng phải dựa trên tiêu chuẩn ODF chẳng hạn, là rất rõ. Tiếc rằng chúng ta vừa qua đã làm điều ngược lại.
Chắc hẳn giờ đây chúng ta đang như ngồi trên lửa để cầu mong cho OOXML sẽ được thông qua như một tiêu chuẩn ISO vào ngày 02/09/2007 tới đây, cho dù như vậy có làm hơn nửa trái đất này phải buồn rầu lo lắng cho tương lai của các hệ thống thông tin tương hợp mà họ hằng mong đợi còn lâu mới có hồi kết, nhưng chúng ta thì có thể nhấc đi được gánh nặng ngàn cân trên mình cho dù nó có chưa “mở”, chưa tương hợp, và nhiều thứ chưa khác đi nữa, vì ít ra nó cũng là thứ chúng ta đã hết lòng chiến đấu và bảo vệ bằng mọi cách, kể cả cách tư vấn theo một quy trình không có “ tính mở”, để có được nó.
Trần Lê
PS: Bài đăng trên tạp chí Tin học và Đời sống số tháng 07/2007, mục Xã hội ICT, trang 20.
No comments:
Post a Comment